Lễ nhập kút của người Chăm Bàlamôn

Hôm qua xem TV (HTV) thấy có giới thiệu về tục an táng người chết của người Chăm với những ngôi mộ rất lạ (mình học ở trên trường cũng không thấy nói đến cái này???) Lên mạng Search để chia sẻ cùng các bạn, hi vọng sắp tới sẽ được tới những chổ này để mở mang kiến thức...




Người Chăm ở Bình Thuận gồm có hai tôn giáo chính đó là người Chăm theo đạo Bàlamôn và người Chăm theo đạo Bàni.
Người Chăm theo đạo Bà ni khi chết, xác được đem chôn tại khu nghĩa địa gọi là Ghur. Người Chăm theo đạo Bàla môn khi chết xác được đem đi hỏa táng, sau đó lấy 9 miếng xương trán đối với nữ và 7 miếng đối với nam bỏ vào trong một cái hộp gọi là Klong, đựng trong một cái giỏ đan bằng mây (Chiêt) treo trong nhà cho đến lúc nào trong dòng họ có điều kiện về kinh tế và có đủ klong nam và nữ của người chết thì tiến hành làm lễ nhập kút. Lễ nhập kút có nhiều nghi lễ nhỏ, phức tạp và thường tiến hành trong hai ngày thứ ba và thứ tư của các tháng 3,4,6,8,10,11 lịch Chăm.

Kút của người Chăm Bà Ni-TT Tân Phong-Bình Thuận. Ảnh chụp 14h45 ngày 16/9/08 (Nguồn: Blog của Cao Minh Hải)

Theo quan niệm của người Chăm, việc chọn khu đất để dựng nhà kút cho tộc họ là rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến sự hưng thịnh và phát triển của tộc họ đó. Vì vậy, trước khi chọn khu đất để dựng kút, đại diện của tộc họ sẽ đi nhờ sư cả chọn đất. Theo tục lệ chọn đất dựng nhà kút của người Chăm, đất đó phải là đất có gò cao, cạnh khu đất phải có dòng nước chảy qua. Để biết được chất đất, sư cả phải làm lễ khấn thần đất rồi mang năm hũ cơm nếp mới rắc men đem chôn dưới đất ở 5 điểm khác nhau trong khu đất đã ấn định. Sau 3 đến 5 ngày, bốc lên, hũ cơm nếp nào đã lên men nhưng bị hư thì điểm đó được xem là đất không tốt, còn nếu hũ cơm nếp nào lên men mà không bị hư, ngửi có mùi thơm, nước ngọt thì được xem là đất tốt. Chọn được khu đất tốt, sư cả cúng tạ ơn Thần đất rồi cho phép tộc họ được đổ nền xây dựng nhà kút (người Chăm gọi là Thang thôr). Nhà kút lớn hay nhỏ tùy thuộc vào kinh tế của tộc họ đó giàu hay nghèo. Có tộc họ chỉ dựng mái che kút bằng tranh, tôn hoặc ngói, xung quanh bao bọc bởi hàng rào. Tộc họ nào khá hơn thì xây dựng một căn nhà nhỏ có kích thước dài 7,2m x rộng 6m x cao 4m đủ để dựng dãy kút và chỗ trống để tộc họ đến tham dự mỗi khi thực hiện các nghi lễ tại nhà kút. Nền kút của người Chăm thường có hình chữ nhật, bao giờ cửa cũng hướng về phía Bắc, vì theo lời giải thích của các vị chức sắc, hướng Đông là hướng của các vị thần linh, còn người trần tục, người cõi âm chỉ được phép quay mặt về hướng Bắc mà thôi.


Sau khi đã chọn đất dựng nhà kút xong, sư cả chọn hòn đá để dựng kút. Kút của người Chăm thường chia ra hai khu, khu dành cho người chết tốt và khu dành cho người chết xấu. Nhìn từ ngoài vào dễ dàng nhận thấy điều đó vì giữa hai khu kút này được phân ranh giới bằng lá buông hoặc hàng rào dây kẽm. Khu kút của người chết tốt có 3 hòn đá: 1 hòn đá ở giữa biểu tượng cho Pô Di (gọi là patau Pô Di); 1 hòn đá nằm ở phía Đông (gọi là patau likei) biểu tượng đàn ông; 1 hòn đá ở phía Tây bên cạnh pautau Pô Di (gọi là pautau kamei). Khu kút cho người chết xấu chỉ có 2 hòn đá: 1 biểu tượng cho đàn ông nằm ở bên phải (phía mặt trời mọc) và một biểu tượng cho đàn bà ở bên trái (phía mặt trời lặn).
Theo cổ xưa, đá chọn làm biểu tượng kút được người Chăm chọn rất kỹ. Ngày nay, để tiết kiệm thời gian và công sức người Chăm không còn đi mỗi nơi chọn một hòn đá nữa mà cho phép chọn tại một địa điểm, thường là đi đến các con sông lớn có nhiều loại đá đẹp. Đá đem về sẽ được sư cả làm phép và mài dũi, đục đẽo cho bóng đẹp, đặc điểm của hòn đá sau khi mài phải là trên nhỏ, dưới to. Mỗi một nghi thức lễ từ lúc chọn đá làm kút, rửa đá, dựng đá... trước khi làm, sư cả đều phải thực hiện nghi thức xin phép thần linh, tùy thuộc vào mỗi nghi thức lễ để có những lễ vật tương ứng. Từ ngày khởi công xây dựng cho đến ngày hoàn thành nhà kút phải mất gần một tháng, vì họ còn phải chọn ngày tốt thực hiện một số nghi lễ liên quan. Trong nghi lễ nhập kút của người Chăm, nghi thức tạo linh hồn cho người chết được xem là quan trọng có nghĩa là họ đã trả xong nợ đời của kiếp này rồi, con người họ không còn thuộc ở kiếp này nữa. Vì vậy, cần tạo cho họ linh hồn mới để họ được đầu thai vào kiếp khác.
Sau lễ nhập kút, trong vòng một năm tộc họ đó phải để tang cho người chết, cấm tuyệt đối trong tộc họ không có ai được phép dựng vợ gả chồng, không được tổ chức lễ ăn mừng dù đó là lễ, tết cổ truyền lớn nhất của người Chăm như lễ Katê, lễ Rija...
Lễ nhập kút được xem là nghi thức cuối cùng mà người còn sống phải thực hiện cho người đã chết, ngoài việc đưa người mất về với ông bà tổ tiên, về với cội nguồn của mẹ “lá rụng về cội”, còn là nghi thức cuối cùng để cho người chết có cơ hội đầu thai lại kiếp khác.
Sưu tầm

Coppy link gửi cho bạn bè

0 nhận xét : Lễ nhập kút của người Chăm Bàlamôn

Đăng nhận xét

[▼/▲] Emoticons